MTA Vietnam 2023 thu hút hơn 260 nhà trưng bày đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp có thể tìm kiếm các công nghệ, giải pháp vận hành tối ưu nhất cho dây chuyền sản xuất kinh doanh…
Với mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam, Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 19 về Cơ khí hính xác và Sản xuất Chế tạo (MTA Vietnam 2023) với chủ đề “Đón đầu làn sóng tương lai” sẽ chính thức khai mạc vào ngày 04 và kết thúc vài 07/07/2023 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), TP.HCM.
MTA Vietnam 2023 có diện tích trưng bày lên đến 13.200m2, với hơn 260 nhà trưng bày trong tổng số 320 đơn vị tham gia đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Đức, Thụy Sĩ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… Dự kiến năm nay, triển lãm sẽ thu hút hơn 12.000 khách tham quan.
Theo báo cáo năm 2022 của Grand View Research, quy mô thị trường máy cơ khí chính xác toàn cầu ước tính đạt 19,27 tỷ USD vào năm 2028 tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 6,6% từ năm 2021 đến năm 2028. Con số này cho thấy dư địa phát triển của ngành sản xuất máy công cụ, cơ khí chính xác vô cùng rộng lớn.
Dự báo của Grand View Research cũng cho thấy, khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) sẽ trở thành khu vực thị trường phát triển nhanh nhất. Thị trường này được thúc đẩy bởi xu hướng tự động hóa công nghiệp, gia công cơ khí chính xác, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô, hàng không vũ trụ và điện tử.
Không nằm ngoài xu hướng đó, tại Việt Nam với nhu cầu với các giải pháp gia công tiên tiến, tự động hoá toàn diện, tập trung cắt giảm thời gian chết trong sản xuất để thúc đẩy hiệu quả, cải thiện độ chính xác và tối ưu hóa quy trình đang trở nên mạnh mẽ.
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, Việt Nam có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động. Ngành cơ khí Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đột phá, từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Các dự báo cho thấy, quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, áp lực đổi mới đối với ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam tăng lên rõ rệt. Đại dịch Covid- 19 cũng để lại những thách thức lớn cho ngành cơ khí chính xác. Trong đó phải kể đến sự cạn kiệt dòng tiền, hạn chế khả năng tiếp thị sản phẩm và công nghệ mới, cùng với sự thiếu hụt nhân công có tay nghề cao. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển đầu từ quốc tế từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức với các doanh nghiệp cơ khí.
Trong khuôn khổ triển lãm, MTA Vietnam 2023 sẽ diễn ra chuỗi hội thảo quốc tế với những nội dung và cập nhật mới về khoa học, công nghệ trong ngành cơ khí và chế tạo máy. Đáng chú ý, lần đầu tiên tại MTA Vietnam, một điểm trưng bày hoàn toàn mới sẽ xuất hiện với tên gọi VINRA. Tại đây, các công nghệ, máy móc tiên tiến nhất trong khu vực cũng như thế giới về robot học, tự động hóa, cánh tay robot sử dụng công nghệ AI sẽ được giới thiệu đến khách tham quan chuyên ngành.
Tại MTA Vietnam 2023, cuộc thi về robot vận hành trong nhà máy – Robot Challenge dành cho sinh viên trên địa bàn TP.HCM sẽ được tổ chức, với sự góp mặt của 5 trường Đại học, cụ thể: Đại học Bách khoa; Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Nguyễn Tất Thành; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; Phân hiệu Đại học Giao thông Vận tải.
Tags: 3d vina, hiệu chuẩn, hiệu chuẩn thiết bị, máy đo 2d, máy đo 3d, máy đo cmm, sửa máy đo 2d, sửa máy đo 3d, sửa máy đo cmm