Ngành cơ khí phục vụ tốt sản xuất nông, lâm nghiệp

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, ngành cơ khí của tỉnh đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều loại máy móc thiết bị phục vụ tốt yêu cầu sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương. Ảnh: K’gửi H

 

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 278 doanh nghiệp cơ khí, chế tạo, với 8.718 lao động, với doanh thu sản xuất kinh doanh mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng. Các sản phẩm ngành cơ khí Đắk Lắk cơ bản đáp ứng được nhu cầu trồng, chăm sóc, thu hoạch chế biến các loại nông sản, xây dựng các công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi, xây dựng dân dụng, sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị cơ khí, động lực trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Cách đây hơn 10 năm, phần lớn các máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn đều do các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê phải nhập từ nước ngoài hoặc nhập từ các địa phương khác. Nhưng trong vài năm trở lại đây, ngành cơ khí Đắk Lắk đã nghiên cứu, sản xuất thành công phần lớn các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến cà phê, trong đó, chủ yếu là các loại máy chế biến cà phê theo quy trình công nghệ chế biến ướt cụm hộ gia đình, hệ thống chế biến cà phê ướt, thiết bị xay xát cà phê quả tươi, khô, thiết bị sấy trống quay, sấy tháp, thiết bị rửa, tách quả nổi cà phê tươi. Các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn còn chủ động nghiên cứu, sản xuất các loại máy, thiết bị sàn tách đá, sàn trọng lượng, máy tuốt quả cà phê… Đặc biệt, các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng cà phê được sản xuất tại địa phương không những có chất lượng cao mà còn có giá thành hạ, thấp hơn nhiều lần so với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại của các nước nên được các doanh nghiệp, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng tiêu thụ mạnh. Hiện nay, một số máy móc, thiết bị phục vụ chế biến cà phê đã được các doanh nghiệp cơ khí Đắk Lắk xuất khẩu sang một số thị trường có sản xuất cà phê và được người tiêu dùng đánh giá cao, tiêu thụ mạnh.

Các doanh nghiệp cơ khí như Viết Hiền, Đăng Phong, Văn Huy… nằm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột có một số sản phẩm cơ khí nổi trội, tiêu biểu như dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân công suất từ 3 – 30 tấn nhân/giờ, thiết bị xát khô cà phê công suất từ 500 – 1.000 kg/giờ, thiết bị xát tươi quả cà phê có công suất từ 2 – 3 tấn quả/giờ, dây chuyền chế biến cà phê theo công nghệ chế biến ướt cụm hộ gia đình, có công suất từ 700 – 1.000 kg cà phê/giờ. Các doanh nghiệp cơ khí này còn sản xuất cối chế biến cà phê với nhiều kích cơ khác nhau, thiết bị sấy trống, có công suất từ 1,5 – 24 mét khối, thiết bị sấy tháp công suất từ 6 – 40 tấn cà phê/mẻ sấy, thiết bị rang, xay cà phê bột… Thiết bị hái cà phê, tuốt lúa, lẫy ngô, bóc vỏ đậu đỗ các loại, sản xuất bơm nước các loại có công suất từ 3 – 70 m3/giờ hay máy bơm thả chìm cột áp cao có công suất từ 1 – 20HP, bơm phục vụ xây dựng thủy lợi công suất từ 10 – 150 HP… không những được khách hàng vùng Tây Nguyên tiêu thụ mạnh mà còn được khách hàng một số nước trong khu vực tiêu thụ, đánh giá cao….

Cũng theo Sở Công Thương, một trong những sản phẩm cơ khí Đắk Lắk nổi tiếng trong khắp cả nước là béc tưới cà phê của nhà sáng chế Đặng Tám ở huyện Krông Pắk. Béc tưới này được sản xuất bằng nhựa PE có độ bền cao, không bị biến dạng, có hai vòi phun mưa để tưới được cho các khoảng cách gần, xa. Trên béc tưới này có gắn số để điều chỉnh lực tưới, khoảng cách phun nước tùy theo từng loại máy bơm (sử dụng cho cả động cơ điện, máy nổ). Đặc biệt, ngoài việc khắc phục những nhược điểm của béc tưới ngoại (khó phụ tùng thay thế, lực nước yếu, phun không đều…) công suất béc tưới của ông Đặng Tám còn vượt trội hơn cả lên đến trên 20%, giúp người sử dụng tiết kiệm được trên 10 lít dầu/ha và nước tưới cũng phun đều hơn. Trong khi đó, giá bán của béc tưới của ông Đặng Tám chỉ bằng một phần ba so với béc tưới nhập ngoại, mà các thao tác lắp ráp lại thuận tiện, nhanh gọn, phụ tùng thay thế rất rẻ. Mỗi năm cơ sở của ông Đặng Tám sản xuất từ 3.000 chiếc trở lên, không đủ đáp ứng yêu cầu thị trường…

Từ nay đến năm 2020 để góp phần có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội Đắk Lắk, các doanh nghiệp, cơ sở ngành cơ khí tiếp tục tìm hiểu nhu cầu thị trường đối với những sản phẩm, dịch vụ cơ khí có điều kiện tổ chức sản xuất ở tại địa phương, trên cơ sở đó thiết kế và sản xuất các sản phẩm, dịch vụ cơ khí để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Tags: , , , , , , , ,