Kiểm soát chất lượng trong quy trình sản xuất luôn là mối bận tâm hàng đầu của bất kỳ chủ doanh nghiệp nào. Khi hoạt động này được triển khai đúng hướng, nó góp phần tối ưu chi phí & nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngược lại, nếu thực hiện sai cách, doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với các vấn đề về chất lượng, tăng chi phí nguyên vật liệu, nhân công mà còn khiến các đơn hàng bị hủy, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận thu về.
1. Kiểm soát chất lượng trong quy trình sản xuất là gì?
Kiểm soát chất lượng (QC) trong sản xuất là nỗ lực đánh giá chất lượng sản phẩm nhằm xác định & loại bỏ lỗi trước khi đến tay người tiêu dùng. Trong trường hợp sai sót được phát hiện, nhà quản lý có thể đưa ra quyết định thu hồi hoặc đề xuất các giải pháp khắc phục sự cố đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của khách hàng.
Tại những nhà máy lớn sản xuất số lượng lớn với lịch trình dày đặc thì việc kiểm tra chất lượng sản phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu một máy móc gây ra lỗi, nó có thể dẫn đến hàng nghìn sản phẩm không đạt tiêu chuẩn cam kết với khách hàng.
2. Lợi ích của việc kiểm soát chất lượng trong quy trình sản xuất
Khi chú trọng vào khâu kiểm soát chất lượng, những lợi ích nổi bật doanh nghiệp bạn có thể đạt được bao gồm:
Giữ chân khách hàng trung thành
Khách hàng luôn đánh giá cao và thậm chí yêu cầu sản phẩm chất lượng cao. Nếu doanh nghiệp bạn cung cấp sản phẩm tốt & duy trì “chất lượng” đó trong suốt quá trình kinh doanh thì đương nhiên sẽ giữ chân được lượng khách hàng trung thành lớn.
Mở rộng khách hàng tiềm năng
Trải nghiệm sản phẩm chân thật nhất là trải nghiệm từ chính những người sử dụng sản phẩm lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Một trong những thế mạnh của việc tạo dựng tệp khách hàng trung thành là họ sẽ giúp bạn mở rộng thêm nhiều khách hàng tiềm năng thông qua tiếp thị “truyền miệng”.
Giảm trách nhiệm pháp lý
Một sản phẩm sản xuất lỗi thậm chí có thể gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng cho người tiêu dùng khiến doanh nghiệp bạn phải đối mặt với một vụ kiện (cơn ác mộng mà không một đơn vị sản xuất nào mong muốn xảy ra)
Kiểm soát chất lượng trong quy trình sản xuất giúp bạn chứng minh được công ty đang thực hiện đầy đủ những bước cần thiết để đảm bảo chất lượng & an toàn sản phẩm. Góp phần giảm bớt trách nhiệm pháp lý trong trường hợp sản phẩm lỗi.
Cải thiện an toàn
Tất nhiên, mục tiêu duy nhất không phải là giảm trách nhiệm pháp lý của bạn trong trường hợp xảy ra tai nạn. Đối với bất kỳ nhà sản xuất có trách nhiệm nào, mục tiêu lớn hơn là hạn chế khả năng xảy ra những tai nạn này ngay từ đầu.
Bạn càng có nhiều kiểm tra để phát hiện lỗi trước khi bàn giao sản phẩm, càng cải thiện được mức độ an toàn của sản phẩm & những người có liên quan.
Xây dựng thương hiệu
Khi đầu ra được kiểm soát nghiêm ngặt, sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ được đảm bảo chất lượng tốt nhất. Điều đó giúp doanh nghiệp bạn tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khách hàng, xây dựng hình ảnh một thương hiệu uy tín luôn đặt chất lượng lên trên lợi nhuận.
Hạn chế tối đa việc thu hồi sản phẩm
Việc thu hồi sản phẩm lỗi gây ra rất nhiều rắc rối cho doanh nghiệp, đặc biệt là rất tốn kém. Mặc dù không ai có thể ngăn chặn 100% những tai nạn này không xảy ra, nhưng việc kiểm soát chất lượng giúp giảm thiểu tối đa rắc rối ảnh hưởng đến danh tiếng & lợi nhuận doanh nghiệp.
3. Đảm bảo chất lượng và Kiểm soát chất lượng
Bạn có thể nghe thấy “đảm bảo chất lượng” và “kiểm soát chất lượng” được sử dụng thay thế cho nhau. Trên thực tế, đây là 2 khái niệm khác biệt có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Về cốt lõi, kiểm soát chất lượng (QC) là định hướng sản phẩm trong khi đảm bảo chất lượng (QA) là định hướng quá trình.
Nói cách khác, đảm bảo chất lượng là việc xác định tất cả thành viên trong đội ngũ của bạn thực hiện đúng trách nhiệm công việc của họ trong suốt quá trình sản xuất sản phẩm. Kiểm soát chất lượng là việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng và đảm bảo rằng thực hiện đúng quy trình sẽ dẫn đến kết quả như mong muốn.
Với những định nghĩa này, chúng ta có thể thấy rằng nếu bạn đang gặp vấn đề về quy trình trong sản xuất, bạn cần giải quyết với nhóm QA. Còn nếu bạn đang gặp sự cố về sản phẩm, nhóm QC sẽ phải chịu trách nhiệm chính.
4. Kiểm soát chất lượng có thể giải quyết những vấn đề nào trong quy trình sản xuất?
Bởi mối quan hệ mật thiết giữa đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng, nên không có gì ngạc nhiên khi các nhóm QC cũng thường quan tâm đến quá trình sản xuất, thay vì chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng.
Một số vấn đề phổ biến trong dây chuyền sản xuất mà kiểm soát chất lượng có thể giải quyết bao gồm:
- Đầu ra không chính xác: Khi nhu cầu thị trường thường xuyên biến động, có thể khó điều chỉnh đầu ra của bạn. Kết quả là, sản phẩm bạn sản xuất quá nhiều hoặc quá ít.
- Thiếu thông tin: Mọi thứ trong quy trình diễn ra một cách nhanh chóng khiến bạn gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin về tất cả những gì đang diễn ra trong dây chuyền sản xuất theo thời gian thực.
- Khối lượng công việc không cân bằng: Nếu không cẩn thận, bạn dễ dàng rơi vào tình huống sản xuất dàn trải không đồng đều, một số thiết bị máy móc bị sử dụng quá mức, số khác lại không dùng đến.
- Tốc độ sản xuất không chính xác: Việc kiểm soát chất lượng trong quy trình sản xuất có thể giúp bạn điều chỉnh thời gian sản xuất, đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra.
- Sự chậm trễ trong việc thay đổi sản xuất: Khi thay đổi hệ thống dây chuyền, có thể gây ra sự chậm trễ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
- Sự cố khi chuyển dây chuyền lắp ráp: Phát sinh trong quá trình chuyển đổi làm chậm quá trình sản xuất, đồng thời lãng phí thời gian & nguồn lực.
- Các vấn đề với dây chuyền lắp ráp hiện có: Ngay cả khi dây chuyền lắp ráp của bạn là một dây chuyền quen thuộc, các vấn đề vẫn có thể phát sinh dẫn đến việc sản xuất bị đình trệ. Kiểm soát chất lượng có thể giúp xem xét những vấn đề này và đưa bạn đi đúng hướng.
- Sản phẩm cuối cùng bị lỗi: Sản phẩm cuối cùng kém chất lượng rõ ràng là một vấn đề lớn, mà việc kiểm soát chất lượng chắc chắn có thể giúp giải quyết triệt để.
5. Cách thực hiện kiểm soát chất lượng trong quy trình sản xuất
Bạn có thể kiểm soát chất lượng trong quy trình sản xuất của mình bằng cách thực hiện theo quy trình sau:
Xác định tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm cuối cùng
Để việc kiểm soát chất lượng mang lại hiệu quả tối ưu, bạn trước hết cần đặt ra một số thông số xác định cho sản phẩm. Bằng cách này, bạn sẽ nắm bắt nhanh chóng vấn đề phát sinh nếu quy trình sản xuất đi sai hướng.
Hãy tự hỏi sản phẩm cuối cùng của bạn trông như thế nào, giá trị ra sao & thời gian tồn tại của nó là bao lâu. Sau đó, hãy suy nghĩ về những gì khiến tất cả các khía cạnh này thất bại. Câu trả lời chính là tiêu chuẩn cho chất lượng sản phẩm của bạn.
Chọn phương pháp kiểm soát chất lượng
Có rất nhiều cách khác nhau để thực hiện kiểm soát chất lượng. Có thể bạn sẽ kiểm tra ngẫu nhiên hoặc chọn 20 lô cuối cùng sau đó phân tích chúng để tìm ra các khiếm khuyết. Hãy dành thời gian để suy nghĩ về quá trình sản xuất và những khó khăn riêng mà bạn đang phải đối mặt, đâu là phương pháp có thể giúp bạn giải quyết chúng hiệu quả nhất?
Xác định số lượng sản phẩm hoặc lô sẽ được kiểm tra
Thực tế, bạn sẽ không có thời gian hoặc nguồn lực cần thiết đủ để kiểm tra từng sản phẩm đơn lẻ trong cả dây chuyền sản xuất. Do đó, bạn cần suy nghĩ cẩn thận về số lượng sản phẩm cần thử nghiệm.
Đào tạo nhân viên kiểm soát chất lượng
Đây là bước quan trọng không thể bỏ qua trong quy trình. Đào tạo nhân viên đòi hỏi đầu tư đáng kể thời gian và nguồn lực hướng dẫn, giáo dục họ về các tiêu chuẩn và mục tiêu của công ty. Tuy nhiên, một đội ngũ kiểm soát chất lượng chuyên nghiệp với kinh nghiệm dày dặn sẽ giúp quy trình được thực hiện đúng hướng, giảm thiểu tối đa phát sinh xảy ra.
Tạo hệ thống liên lạc cần thiết
Khi nhóm của bạn sẵn sàng bắt đầu công việc của họ, cần xây dựng một mạng lưới giao tiếp đáng tin cậy để thực hiện các trao đổi & cập nhật báo cáo thường xuyên. Đây là công cụ quan trọng để kết nối thành viên, nâng cao hiệu quả teamwork đồng thời giúp ban lãnh đạo kiểm soát tức thời tiến độ thực hiện công việc, phát hiện nhanh chóng điểm nóng để có hướng xử lý kịp thời.
Tạo ra tiến trình xử lý lỗi
Giả sử nhóm kiểm soát chất lượng của bạn đã bắt đầu thực hiện công việc của họ và báo cáo một số vấn đề xảy ra đối với sản phẩm cuối cùng. Bằng việc trả lời các câu hỏi sau, bạn sẽ đưa ra được quyết định mình cần làm gì:
- Chúng tôi sẽ từ chối các sản phẩm bị lỗi?
- Chúng ta sẽ thực hiện những phương pháp nào để ngăn chặn những sản phẩm bị lỗi trong tương lai?
- Liệu có cần thiết phải kiểm tra thêm để xác định kết quả chính xác hơn không?
- Liệu sản xuất có cần phải tạm dừng cho đến khi các vấn đề được giải quyết không?
Trên đây là toàn bộ kiến thức về kiểm soát chất lượng trong quy trình sản xuất đội ngũ FastWork tổng hợp lại. Hy vọng sẽ mang lại thông tin hữu ích giúp bạn xây dựng được quy trình kiểm soát chất lượng hiệu quả.
Tags: 3d vina, hiệu chuẩn, hiệu chuẩn thiết bị, máy đo 2d, máy đo 3d, máy đo cmm, sửa máy đo 2d, sửa máy đo 3d, sửa máy đo cmm