Dự báo quy mô của thị trường cơ khí Việt Nam đến năm 2030 ước tính có thể đạt khoảng 310 tỷ USD. Sự phát triển của ngành đòi hỏi các doanh nghiệp công nghiệp cơ khí cần chuyển đổi, ứng dụng số hóa, tự động hóa vào quy trình sản xuất trong tương lai…
Thực trạng của ngành cơ khí cũng được phản ánh phần nào qua con số thống kê về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023, đặc biệt là nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 142,66 tỷ USD, chiếm 93,7%. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%.
Giới chuyên gia cho rằng với tư cách là hạt nhân của các ngành công nghiệp, nhận nhiệm vụ đảm bảo cung cấp các công cụ, thiết bị, máy động lực cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp nội địa trong ngành cơ khí chính xác, máy công cụ và gia công kim loại cần phải là “lá cờ đầu” về đổi mới. Với ước tính, quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo Việt Nam từ nay đến năm 2030 sẽ ở mức khoảng 310 tỷ USD.
Dự báo, đến năm 2030 giá trị các ngành máy móc, thiết bị, cấu kiện cho các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD; máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản khoảng 15 tỷ USD; các loại thiết bị tiêu chuẩn như quạt, động cơ, thiết bị thủy lực khoảng 10 tỷ USD. Giá trị cho lĩnh vực thiết bị đường sắt tốc độ cao khoảng 35 tỷ USD; đường sắt đô thị là 10 tỷ USD; công nghiệp ô tô là 120 tỷ USD.
Theo ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục đo lượng chất lượng Việt Nam, công nghệ tự động hóa đã và đang mang đến những giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp cơ khí trong sản xuất. Do đó, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những công nghệ và giải pháp mới trong tương lai.
Đồng quan điểm, ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam, cho biết trước áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam cần tiếp cận những sản phẩm máy công cụ, cơ khí tiên tiến nhất và cập nhật những xu hướng mới nhất của ngành để xây dựng nền sản xuất thông minh trong tương lai.
“Các doanh nghiệp cần phải hiểu cơ khí chính xác là nền tảng của ngành cơ khí. Không có sự góp mặt của cơ khí chính xác, các ngành sản xuất khó có thể vận hành”, ông BT Tee cho biết thêm.
Theo đó, một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp nội địa cần làm cho ngành cơ khí của Việt Nam trong tương lai là tập trung tự động hoá, các tính năng thông minh, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống máy tiện cơ khí nâng cấp được điều khiển bằng máy tính.
Trong xu hướng đó, triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 19 về Cơ khí Chính xác và Sản xuất Chế tạo (MTA Vietnam) chính thức được khai mạc tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), TP.HCM từ ngày 04 – 07/07/2023, mở ra cơ hội để doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác tiềm năng, kết nối kinh doanh sâu rộng và tiếp cận những cải tiến công nghệ mới nhất.
MTA Vietnam 2023 chào đón hơn 400 nhà trưng bày đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Ý, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan,…
Bà Karen Yu, Giám đốc Hiệp hội Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA), đánh giá Việt Nam là thị trường phát triển nhanh, năng động, có nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác, phát triển. Do đó, máy móc của Đài Loan và các nước phát triển có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng và khắt khe của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, đồng thời tạo ra lợi ích chung, đôi bên cùng có lợi.
Đại diện TAITRA cũng kỳ vọng rằng triển lãm sẽ mang đến những cơ hội học tập, hợp tác phát triển cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy công nghiệp cơ khí Việt Nam, mở ra một chương mới về sáng tạo và tự động hoá trong ngành.
Tags: 3d vina, hiệu chuẩn, hiệu chuẩn thiết bị, máy đo 2d, máy đo 3d, máy đo cmm, sửa máy đo 2d, sửa máy đo 3d, sửa máy đo cmm