Theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) công bố thường niên thì nhu cầu nhóm ngành cơ khí – luyện kim – công nghệ ô tô xe máy hiện đang đứng đầu, chiếm tỷ lệ trên 25% nhu cầu lao động. Vì vậy, cơ hội việc làm của ngành này là rất lớn.
SV ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí Trường ĐH Cửu Long thực tập nghề trong xưởng cơ khí của trường – Ảnh: Quang Thái |
Học gì trong ngành Kỹ thuật cơ khí?
Kỹ thuật cơ khí hay Công nghệ cơ khí là ngành ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc, thiết bị hoặc các vật dụng hữu ích. Cơ khí áp dụng các nguyên lý nhiệt động lực học, định luật bảo toàn khối lượng và năng lượng để phân tích các hệ vật lý tĩnh và động, phục vụ cho công tác thiết kế trong các lĩnh vực như: ô tô, máy bay và các phương tiện giao thông khác, máy móc, robot, các hệ thống gia nhiệt và làm lạnh, đồ dùng gia đình, thiết bị sản xuất, vũ khí…
Học ngành Kỹ thuật cơ khí, sinh viên (SV) được trang bị kiến thức, kỹ năng gia công, thiết kế, chế tạo và cải tiến các sản phẩm cơ khí; khả năng vận hành, lắp ráp, bảo trì các thiết bị cơ khí, hệ thống cơ khí và giải quyết những vấn đề liên quan đến máy móc, thiết bị trong quy trình sản xuất. Biết đọc và vẽ bản vẽ kỹ thuật; thành thạo công nghệ CAD/CAM/CNC/CAE, giao diện người máy…
Người học Kỹ thuật cơ khí cần phải có sự tập trung chú ý, siêng năng, kiên nhẫn và tận tâm trong công việc.
Chọn nơi học thích hợp
Ngành Kỹ thuật cơ khí được đào tạo ở hầu hết các trường đại học chuyên về kỹ thuật công nghệ và Trường ĐH Cửu Long là một trong những trường đào tạo có chất lượng ngành Kỹ thuật cơ khí.
Khi học tại Trường ĐH Cửu Long, SV được thực hành tại xưởng thực tập cơ khí với các thiết bị cơ khí tiên tiến ứng dụng công nghệ CAD/CAM/CNC/CAE; thường xuyên được tham dự các hội thảo chuyên đề với những chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Đặc biệt, ĐH Cửu Long khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho những bạn SV tham dự các cuộc thi chế tạo máy, robot lớn và nhỏ trong nước, Olympic cơ học… đồng thời tạo điều kiện cho SV phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của bản thân, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với SV các trường đại học khác. Đây cũng chính là điểm mạnh của chương trình đào tạo Kỹ thuật cơ khí tại Trường ĐH Cửu Long.
Cơ hội nghề nghiệp
Cơ khí chế tạo máy được coi là “trái tim” của quá trình công nghiệp hóa và đang có tốc độ phát triển nhanh chóng. Trong tương lai, nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng cao, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người học.
Kỹ sư chế tạo máy có thể đảm nhận việc thiết kế, lên bản vẽ, lắp đặt hoặc gia công máy móc, thiết bị tại các nhà máy, công trình, công ty cơ khí; chuyên viên tư vấn, thiết kế, vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị cơ khí; hay cán bộ quản lý, điều hành kỹ thuật tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về cơ khí phục vụ an ninh, quốc phòng, ô tô, tàu thủy, hàng không…
Nước ta đang trên đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa để hội nhập với nền kinh tế thế giới sau khi gia nhập WTO. Do đó, cơ hội làm việc trong ngành cơ khí càng trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm, các kỹ sư chế tạo máy có thể thăng tiến lên các vị trí cao hơn hoặc làm chủ những cơ sở, công ty cơ khí riêng.
Tags: 3d vina, hiệu chuẩn, hiệu chuẩn thiết bị, máy đo 2d, máy đo 3d, máy đo cmm, sửa máy đo 2d, sửa máy đo 3d, sửa máy đo cmm