“Chen chân” được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó

Đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi đã “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đến được với doanh nghiệp.

Chiều 28/2, tại TP. HCM, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TP. HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Sản xuất linh kiện cung cấp cho doanh nghiệp FDI tại Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long – Ảnh: Anh Quân

Nêu thực tế từ hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long cho biết, doanh nghiệp của ông đã “chen chân” được vào chuỗi cung ứng khi cung cấp các linh kiện cơ khí cho một số doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện đang gặp khó khi nhà xưởng sản xuất nằm trong khu dân cư. Khi xây dựng nhà xưởng không có những hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng xưởng sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư.

Chính vì vậy, doanh nghiệp phải xin giấy phép xây dựng theo dạng nhà ở, khi doanh nghiệp muốn nâng cấp để đạt chuẩn để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động thì không thực hiện được.

“Chúng tôi mong muốn Thành phố hướng dẫn cụ thể việc xây dựng nhà xưởng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cấp nhà xưởng để đảm bảo điều kiện an toàn trong sản xuất. Ngoài ra, Thành phố cần xây dựng các cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để doanh nghiệp có thể chuyển vào đó để sản xuất cho quy củ hơn” ông Long kiến nghị.

Qua khảo sát về tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network Việt Nam cho biết, những khó khăn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt đó là tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu…

Bà Hạnh đánh giá, hiện nay số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ dù tăng mạnh nhưng chưa đủ và thiếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp như khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt…

Số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa nhiều do đang vướng nhiều bất cập và thiếu giải pháp hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước như như thuế, tín dụng…

Bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network Việt Nam nêu các khó khăn của doanh nghiệp khi khảo sát thực tế – Ảnh: Hữu Hạnh

Từ khảo sát thực tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn được hỗ trợ cơ chế vay vốn (hỗ trợ lãi suất và dùng tài sản thế chấp là máy móc thay vì nhà đất); quy hoạch các khu công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư lớn;  Nhà nước cần có chiến lược dài hạn, cụ thể, nhất quán, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với thực tế đất nước.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng quản lý công nghiệp Sở Công Thương TP.HCM, cho biết từ năm 2015, Thành phố đã bắt đầu xây dựng đề án thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.

Chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia nên tỷ lệ nội địa hóa của Thành phố luôn đạt trên 50%.

Chỉ ra vấn đề khó khăn hiện nay của ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Hào cho biết, do chưa được luật hóa nên công tác quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế. Việc quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp còn phân tán, đa số doanh nghiệp là nhỏ và vừa, nên bị hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Ông Hào cho rằng để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, cần tập trung vào phát triển quỹ đất công nghiệp, nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp ưu tiên. Đặc biệt để có cơ sở pháp lý thực hiện cần xây dựng Luật công nghiệp và thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc gia.

 

Tags: , , , , , , , ,