Nguyễn Tuấn Anh ở quận Bình Thạnh làm các món đồng hồ, con thú, robot… từ các linh kiện xe máy, ô tô cũ, giá bán một món có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Hơn ba năm nay, Tuấn Anh chế tác ra những vật dụng như đồng hồ, robot, bàn ghế, mô hình con thú… bằng các phụ tùng của ô tô, xe máy.
Cầm trên tay chiếc đồng hồ kết hợp đèn ngủ làm từ xích xe, bánh răng, ốc vít… người đàn ông 35 tuổi cho biết đây chỉ là một trong số gần 2.000 vật dụng anh đã làm. Sản phẩm nào chế tạo ra đều có khách mua với giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng tuỳ hình dáng, độ khó.
Ngày 11/6, trong xưởng cơ khí rộng gần 200 m2, Tuấn Anh cùng nhân viên tất bật cắt, ghép, hàn, mài giũa…. phụ tùng thành những con robot độc đáo theo đơn của khách.
Trước khi có xưởng cơ khí với hơn chục nhân viên, người đàn ông quê Đà Lạt học về công nghệ thông tin nhưng bỏ ngang để tìm hướng đi mới. Rời giảng đường, anh kiếm tiền từ vẽ, sơn trang trí nội, ngoại thất cho các quán cà phê, trà sữa.
Năm 2018, Tuấn Anh mua máy cắt, tiện, hàn, linh kiện xe cũ để khởi nghiệp. “Coi những video trên mạng, tôi thấy thích thú với những vật dụng làm từ phụ tùng xe, trông rất có hồn nên quyết định vay mượn tiền bạn bè để làm”, anh nói.
Các phụ tùng được chủ xưởng mua từ xác xe máy, ô tô nát; trong chợ điện tử Nhật Tảo. Có những linh kiện của máy xe phân khối lớn ảnh phải nhập về từ Campuchia. Từng loại máy móc được rã ra thành những chi tiết, linh kiện nhỏ và sắp xếp gọn trên kệ theo từng loại để dễ tìm kiếm khi chế tác.
Từng chi tiết máy móc được rửa bằng xăng, nước để sạch dầu, mỡ, nhớt, bụi bẩn. Sau đó chúng được đánh bóng, cắt giũa sao cho phù hợp với bộ khung của người sáng tạo.
Nhân viên của xưởng tạo mô khung con ngựa bằng thép sau khi đã có bản vẽ trước khi hàn gắn các linh kiện vào.
“Cái khó nhất là ý tưởng, những bộ phận cơ khí được lắp đặt thủ công và được điều chỉnh bằng cảm quan chứ không có bố cục tiêu chuẩn nào. Vì vậy mọi sản phẩm của tôi đều độc bản”, Anh Tuấn nói.
Xưởng có ít nhân viên nên mọi người chia ra từng khâu để tối ưu công việc. Trung bình, một tác phẩm cơ khí có thể mất cả tháng để hoàn thiện, tuỳ theo kích thước, độ chi tiết…
Thời gian mới vào nghề, anh làm nhũng sản phẩm nhỏ, chủ yếu là đồng hồ, con thú… nặng chưa đến 10 kg, với chỉ vài chục linh kiện ghép vào. Nhỏ hơn cả là con muỗi chủ yếu làm từ bánh răng, bugi xe máy, sắt… được anh giữ lại làm kỷ niệm.
Con tắc kè được chế tác trong một tuần, nặng 6 kg có giá bán khoảng 9 triệu đồng. Chủ xưởng cho biết, các mô hình đồng hồ và con thú được nhiều người hỏi mua.
Mô hình đầu ngựa tinh xảo, thiết kế từ hàng nghìn linh kiện đủ loại. Tuấn Anh cho biết, mỗi tháng thường bán được gần 100 sản phẩm, chủ yếu là nam giới mua về trang trí, thiết kế quán cà phê… Sản phẩm đắt nhất có giá hơn 300 triệu đồng đã được giao cho khách.
Từ những phụ tùng máy móc khô cứng được sắp xếp hài hoà để tạo ra những chiếc đàn guitar độc đáo, kiểu dáng mềm mại.
Theo chủ xưởng, kim loại là một trong những thứ khó tạo hình nhất. Khi đã hàn thành một khối, nếu sai sót thường phải dùng máy cắt hoặc làm lại từ đầu.
Thái Tuấn Đạt đeo trên mặt chiếc khẩu trang cơ khí độc đáo, sản phẩm lấy ý tưởng từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
“Tôi làm được một năm ở xưởng, công việc này rất thú vị vì giàu tính sáng tạo, nghệ thuật. Mỗi sản phẩm tạo ra đều cho thấy cơ khí không khô khan như người ta nghĩ, ở góc nhìn của nhiều người thì chúng rất có hồn”, chàng trai 21 tuổi cho biết.
Tuấn Anh ngắm nghía, kiểm tra kỹ các chi tiết của con robot nặng 30 kg, vừa chế tạo xong trước khi bàn giao cho khách hàng. Ở công đoạn cuối, các sản phẩm sử dụng kỹ thuật sơn airbrush, dùng súng phun sơn kích thước nhỏ để tránh hoen gỉ.
“Thời gian tới tôi sẽ mở một showrom trưng bày các tác phẩm để mọi người cùng ngắm nhìn. Tôi cũng đang có ý tưởng mới, sẽ làm những món đồ với kích thước lớn cùng sự tinh xảo, độc đáo nhất có thể”, anh nói.
Tags: 3d vina, hiệu chuẩn, hiệu chuẩn thiết bị, máy đo 2d, máy đo 3d, máy đo cmm, sửa máy đo 2d, sửa máy đo 3d, sửa máy đo cmm