Trong số hơn 220.000 tân sinh viên, học viên các trường CĐ, trung cấp, trung tâm, có tới hơn 50% theo học các ngành thương mại, bảo hiểm, bất động sản; hơn 40% học ngành cơ khí, ô tô, điện – điện tử, công nghệ thông tin …
Đó là thông tin của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trong hội nghị tổng kết công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM diễn ra mới đây.
Số lượng người học tăng
Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong năm 2021, các nhóm ngành dịch vụ và ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng cao trong tổng số người học tuyển mới, chiếm 50,67%. Cụ thể, các ngành vận tải – kho bãi – logistics, kế toán, kiểm toán, thương mại, bất động sản, y tế, du lịch, công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa… thu hút số lượng người học nhiều hơn cả.
Cơ khí là một trong những ngành thu hút người học nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thực tế |
Tại Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, thạc sĩ Hồ Nguyễn Cúc Phương, Trưởng phòng Đào tạo, cũng cho hay năm nay số lượng người đăng ký vào các ngành logistics, kinh doanh thương mại cũng tăng so với năm trước. Thạc sĩ Phương lý giải: “Ngay từ khi đi thực tập, các doanh nghiệp đã tuyển dụng học sinh, sinh viên các ngành này. Thường doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics tuyển dụng trình độ CĐ và trung cấp nhiều hơn. Một học sinh bậc trung cấp mới tốt nghiệp đi làm đã được trả mức lương 7 – 8 triệu đồng/tháng”.
Đối với các ngành kỹ thuật thuộc nhóm công nghiệp trọng yếu, tiến sĩ Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, thông tin: “Tỷ lệ người học ngành công nghệ thông tin tại trường năm nay tăng 30%, ngành cơ khí cũng thu hút nhiều thí sinh hơn. Riêng ngành cơ khí, doanh nghiệp sẵn sàng đến trường ký hợp đồng tuyển dụng nhưng trường không đủ để cung cấp. Điều đó cho thấy nhu cầu nhân lực ngành này hiện đang rất nóng”.
Chỉ đáp ứng 10% nhu cầu
Chia sẻ về những ngành đang thu hút nhân lực hiện nay và trong thời gian tới, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển logistics Việt Nam, cho biết: “Hiện nay toàn quốc có tới trên 30.000 doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến logistics; TP.HCM chiếm 54%, trong đó khoảng 4.000 công ty chuyên nghiệp có dịch vụ kết nối quốc tế. Từ nay đến năm 2030 các doanh nghiệp này cần hơn 200.000 nhân lực. Các vị trí công việc cần tuyển trong ngành logistics bao gồm nhân viên xuất nhập khẩu, kế hoạch và điều phối chuỗi cung ứng, mua hàng, dịch vụ khách hàng, giám sát vận hành kho, hoạch định nhu cầu, quản lý kho và trung tâm phân phối, quản lý tồn kho, quản lý và điều phối vận tải, logistics điện tử”.
Các doanh nghiệp logistics còn cần tuyển nhân viên phân tích dữ liệu, tư vấn giải pháp, vận hành xe nâng. Về thu nhập, theo bà Hòa, sinh viên mới ra trường nhận mức lương khoảng 7 – 9 triệu đồng/tháng, sau một thời gian làm việc có thể tăng lên 12 – 18 triệu đồng/tháng tùy năng lực. Nhân viên từ 2 – 5 năm kinh nghiệm có mức lương tối đa khoảng 1.500 USD/tháng. “Tuy nhiên, hiện đào tạo tại VN chỉ mới có khả năng đáp ứng 10% nhu cầu nhân lực”, PGS-TS Hòa cho hay.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng liên tục tuyển dụng do dịch Covid-19 góp phần thúc đẩy nhu cầu mua hàng qua mạng. Công ty TNHH Bibabo đang cần tuyển 411 vị trí như nhân viên telesale, nhân viên tư vấn trực trang web với mức lương từ 9 – 15 triệu đồng/tháng. Tập đoàn Tiki cũng đang tuyển 175 vị trí như trưởng nhóm điều phối giao nhận, nhân viên quản lý tài sản, chuyên viên dịch vụ hậu mãi, nhân viên kho xử lý đơn hàng, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, với mức lương từ 8,5 – 15 triệu đồng/tháng tùy vị trí. Chưa kể rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường cũng cần tuyển các vị trí tương tự phục vụ cho việc bán hàng qua mạng.
Tuy nhiên, để được tuyển dụng, bà Hồ Thị Thu Hòa cho rằng sinh viên cần chuẩn bị để có thể đáp ứng các tiêu chí ngoài kiến thức như kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm và nhất định phải có ngoại ngữ, biết ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc.
Tags: 3d vina, hiệu chuẩn, hiệu chuẩn thiết bị, máy đo 2d, máy đo 3d, máy đo cmm, sửa máy đo 2d, sửa máy đo 3d, sửa máy đo cmm