TTO – Trong các năm tới, nhu cầu nhân lực ngành nghề tại TP.HCM như thế nào? Trình độ nào có nhu cầu nhiều nhất? iTuyểnsinh sẽ giới thiệu lần lượt dự báo nhu cầu nhân lực của các ngành nghề này.
Thiết bị cơ khí. Ảnh: Internet |
Trong giai đoạn 2016-2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM dự báo mỗi năm có khoảng 270.000 chỗ làm việc (130.000 chỗ làm việc mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ CĐ chiếm 15%, trình độ ĐH chiếm 17%, trên ĐH chiếm 2%.
Phân tích xu hướng nhu cầu nhân lực TP.HCM giai đoạn 2016-2020 đến năm 2025 theo định hướng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực tại TP.HCM cho các ngành nghề.
Với ngành cơ khí, quy hoạch phát triển ngành cơ khí đến năm 2020 được phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt trình độ công nghệ tương đương các nước hàng đầu trong khu vực, có thể xuất khẩu 40% – 45% giá trị sản lượng hàng năm, đáp ứng trên 80% nhu cầu trang bị sản phẩm cao cấp và dịch vụ cơ khí cho các tỉnh phía Nam.
Ngành cơ khí thành phố tập trung phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, giảm thiểu sản phẩm cơ khí gia công đơn thuần.
Các nhóm ngành cơ khí được ưu tiên phát triên bao gồm: Cơ khí khuôn mẫu; Máy móc thiết bị điện; Máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản và công nghiệp chế biến.
Các nhóm ngành cơ khí được khuyến khích phát triển bao gồm: Sản xuất dụng cụ gia đình; Sản xuất máy công cụ; Sản xuất máy động lực; Sản xuất dụng cụ y tế, quang học, đồng hồ.
Hiện TP.HCM có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí, tổng số lao động đang làm việc trong ngành cơ khí khoảng 57.000 lao động. Dự báo nhu cầu chỗ việc làm trống bình quân hàng năm của ngành cơ khí khoảng 8.100 người chiếm khoảng 3% tổng nhu cầu nhân lực thành phố.
Nhu cầu nhân lực qua đào tạo của ngành cơ khí chiếm khoảng 90,25%. Trong đó nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp và không bằng chiếm 11,77%; trung cấp chiếm khoảng 49,72%; CĐ chiếm 18,63%; ĐH chiếm 8% và nhu cầu trình độ trên ĐH chiếm 2,14%.
Tags: 3d vina, hiệu chuẩn, hiệu chuẩn thiết bị, máy đo 2d, máy đo 3d, máy đo cmm, sửa máy đo 2d, sửa máy đo 3d, sửa máy đo cmm